Nhận diện vướng mắc của thị trường bất động sản đầu 2023

Những tháng đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dòng vốn giảm mạnh, nhiều dự án đình trệ chưa thể triển khai. Điều này không chỉ tạo sức ép lớn lên cung-cầu thị trường mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực liên quan khác. Nhận diện những vướng mắc, đặc biệt về pháp lý, nguồn vốn, cơ cấu sản phẩm là cơ sở để có giải pháp khơi thông, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.

Nguồn cung rất khan hiếm

 Đánh giá về tầm quan trọng của thị trường bất động sản với nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phân tích, thị trường bất động sản là cầu nối với các ngành trong chuỗi giá trị gồm khoảng 35 ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, có 4 ngành lớn có liên quan nhiều đến bất động sản là xây dựng, du lịch, lưu trú-ăn uống và tài chính-ngân hàng. Bất động sản cũng xếp thứ 2 về thu hút vốn nước ngoài, chiếm khoảng 10% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới hằng năm. “Ngoài ra, tôi muốn lưu ý về tứ giác liên thông, liên quan mật thiết giữa 4 thị trường là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản. Nếu một trong 4 lĩnh vực này xảy ra vấn đề thì ảnh hưởng đến các lĩnh vực kia và ảnh hưởng chung đến nền kinh tế”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nay, tăng trưởng tín dụng, dòng vốn vào thị trường bất động sản đang giảm mạnh và chưa có dấu hiệu hồi phục. Áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp rất lớn, ước tính khoảng 100.000 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong năm 2023. Chưa kể, tình trạng đình trệ của thị trường bất động sản thời gian qua có sự tác động lớn nhất của những vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn của các dự án.

Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Công ty DKRA Việt Nam, đơn vị chuyên về dịch vụ bất động sản cho biết, 3 kênh chính huy động vốn trên thị trường bất động sản đều đang gặp ách tắc, đó là vốn vay ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và từ khách hàng. Khó khăn của thị trường còn xuất phát từ nguồn cung, sức cầu, mặt bằng giá và tâm lý. Hiện nay, nguồn cung rất khan hiếm, có những phân khúc lượng cung giảm tới 79%. Tại TP Hồ Chí Minh, 3 năm qua không có dự án mới về nhà ở thương mại có giá dưới 35 triệu đồng/m2. Nguồn cung giảm kéo theo hệ quả là giá tăng và nhu cầu chỉ bằng 20-30% cùng kỳ năm 2022 ở hầu hết các phân khúc.

   Nhiều dự án phát triển nhà ở, bất động sản tập trung ở khu vực phía Tây Hà Nội. Ảnh: TUẤN ANH 
   Nhiều dự án phát triển nhà ở, bất động sản tập trung ở khu vực phía Tây Hà Nội. Ảnh: TUẤN ANH

Cần đẩy nhanh đưa dự án mới ra thị trường

Nhìn nhận về những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giai đoạn 2011-2013 bất động sản xảy ra khủng hoảng thừa, hàng hóa nhiều nhưng không hấp thụ được. Thời điểm này, ngược lại, quá thiếu nguồn hàng, các phân khúc không đồng đều, thiếu sản phẩm phù hợp với thị trường…

Với mong muốn giải quyết triệt để những vấn đề thị trường đang đặt ra, ông Nguyễn Văn Đính đề xuất, cần xử lý chính sách nhanh hơn, chi tiết hơn, đặc biệt với nhà ở xã hội bởi vì đây sẽ là sản phẩm kích hoạt giao dịch trên thị trường. Có sản phẩm phù hợp thì chỉ số giao dịch sẽ tăng lên, các guồng quay hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, nên có quy định cởi mở hơn đối với việc chuyển nhượng dự án từ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn sang chủ đầu tư có năng lực, giúp đẩy nhanh việc đưa dự án mới tham gia thị trường, tạo nguồn cung sản phẩm bất động sản.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản cần tái cấu trúc để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, qua đó, giảm giá bán nhà ở. Trong đó, cần tinh gọn bộ máy; chủ động đàm phán, giãn thời gian đáo hạn trái phiếu. Đồng thời, ưu tiên phát triển những dự án chiến lược, đã hoàn thiện pháp lý, tránh việc đầu tư dàn trải. Đối với người mua nhà, đã qua giai đoạn đầu tư ngắn hạn, lướt sóng mà nên tập trung vào đầu tư trung, dài hạn, phù hợp với sự phát triển bền vững.

Ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ cho thị trường. Các giải pháp này đã có kết quả cụ thể và tác động tích cực với thị trường. Chính phủ cũng đang trình Quốc hội sửa đổi một số quy định rất quan trọng của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Với các chủ đầu tư dự án, khó khăn cũng là cơ hội để điều chỉnh và cơ cấu lại hoạt động cho phù hợp, tự cân bằng. Thị trường sẽ có những thanh lọc và lựa chọn nhất định đối với các chủ thể tham gia như môi giới, nhà cung cấp, nhà thầu, tư vấn… Từ đó, tạo thời cơ, điều kiện cho những đơn vị có khả năng vươn lên.

MẠNH HƯNG

Nguồn: Quân đội Nhân dân

Leave a Reply